VÌ SAO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG DỄ GẶP BIẾN CHỨNG BÀN CHÂN HƠN VÀO MÙA HÈ?
Biến chứng bàn chân đái tháo đường xuất hiện do 3 nguyên nhân chính:
LƯỢNG ĐƯỜNG TRONG MÁU TĂNG CAO KÉO DÀI
Làm xơ vữa, tắc hẹp các động mạch khiến lưu lượng máu xuống bàn chân bị giảm sút, kéo theo sự thiếu hụt oxy và chất dinh dưỡng nuôi dưỡng bàn chân. Hậu quả là các vết thương chậm lành và lan rộng. Trường hợp bị tắc mạch hoàn toàn, bàn chân hoặc vùng ngón chân có thể bị hoại tử, buộc phải can thiệp bằng tháo khớp.
TỔN THƯƠNG THẦN KINH NGOẠI VI
Làm giảm khả năng nhận biết cảm giác nóng, lạnh hay các cơn đau. Do đó, người bệnh sẽ khó phát hiện các vết thương, vết xước ở chân. Khi một vết xước nhỏ không được phát hiện để xử lý kịp thời sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng và loét bàn chân tiểu đường.
HỆ MIỄN DỊCH SUY YẾU
Đường trong máu cao ức chế khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus của bạch cầu. Hệ miễn dịch hoạt động kém hơn vết thương chậm lành hơn và tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Vào những ngày hè nắng nóng, tỷ lệ gặp biến chứng bàn chân ở người tiểu đường còn tăng lên đáng kể do những nguyên nhân liên quan đến hình thái thời tiết đặc thù như:
– Mùa hè người bệnh ít đi giày mà đi dép hở ngón hoặc chân trần nên việc bị tổn thương bàn chân do dẫm phải các vật sắc nhọn rất dễ xảy ra.
– Nắng nóng khiến người bệnh tiểu đổ mồ hôi nhiều, cơ thể mất nước làm tăng đường huyết.
– Hơn thế, tình trạng ra mồ hôi chân khiến chân bị ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển, làm gia tăng nguy cơ viêm loét và khiến bệnh trở nặng nhanh chóng, thậm chí là hoại tử chi.
NGƯỜI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG CẦN LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ BÀN CHÂN VÀO MÙA HÈ?
Theo các chuyên gia Y tế, để bảo vệ bàn chân trước nguy cơ biến chứng trong ngày hè, người bệnh cần lưu ý:
VỆ SINH BÀN CHÂN HÀNG NGÀY
Mỗi ngày, người bệnh nên dùng nước ấm rửa sạch bàn chân với xà phòng hoặc rửa bằng nước, sau đó, dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau khô. Không nên ngâm rửa chân quá 5 phút.
KIỂM TRA BÀN CHÂN
Kiểm tra thật kỹ
bàn chân sẽ giúp người bệnh tiểu đường phát hiện được các vết thương nhỏ ở chân và điều trị ngay từ khi chúng phát triển thành biến chứng tiểu đường. Ít nhất 3 tháng một lần, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra cảm giác của bàn chân. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường ở chân như chai chân, biến dạng bàn chân, vết thương… từ đó tư vấn hướng điều trị thích hợp.
CHỌN GIÀY DÉP PHÙ HỢP
Nên lựa chọn giày dép chuyên dụng cho người tiểu đường, chất liệu mềm, thoáng khí, có phần bảo vệ mũi và gót chân với kích thước phù hợp. Không nên đi dép xỏ ngón, hay đi chân trần kể cả khi ở trong nhà.
KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT
Theo các chuyên gia y tế, hạ và giữ được đường huyết ổn định ở mức an toàn là yếu tố quan trọng nhất giúp ngăn ngừa biến chứng bàn chân nói riêng và các biến chứng nguy hiểm khác của bệnh đái tháo đường nói chung.